Toàn huyện hiện có trên 3.220 ha vải, sản lượng vải năm 2021 đạt trên 41,3 nghìn tấn, giá trị sản xuất theo giá hiện hành ước đạt khoảng 1.115 tỷ đồng; vải thiều Thanh Hà đã được xuất vào các thị trường như Nhật Bản, EU, Úc, Singapo, Thái Lan…
Việc xử lý lộc đông quyết định đến năng suất, chất lượng của các trà vải
Để hạn chế cây vải ra lộc đông, xử lý lộc đông và tạo điều kiện cho cây vải phân hóa mầm hoa, ra hoa thuận lợi, chuẩn bị cho vụ vải năm 2022. Theo đó, người dân cần sử dụng các biện pháp thủ công cắt tỉa cành tăm, cành vượt, cành sâu trong cây để tạo độ thông thoáng giảm sâu bệnh. Trong suốt thời kỳ từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 1 năm sau, tùy theo từng trà vải, theo dõi sự sinh trưởng của cây, hạn chế tưới nước cho cây, thực hiện rút nước trong vườn vải để hạn chế sinh trưởng dinh dưỡng, không ra rễ và lộc mới.
Người trồng cần xới đất quanh hình chiếu tán, cuốc sâu 4- 5 cm vừa chạm đầu rễ. Tuyệt đối không được bón phân, đặc biệt là phân đạm cho đến khi cây nhú mầm hoa. Thực hiện khoanh cành sớm, từ cuối tháng 9 trở đi đối với từng trà vải. Sau khi khoanh dùng dung dịch Oxyclorua đồng 1-3% bôi vào vết khoanh, để hạn chế vi khuẩn, nấm xâm nhập và giúp cành chóng liền sẹo.
Khi lộc thu đã thành thục, chọn cây có tình trạng sinh trưởng khỏe, khả năng ra lộc đông cao, tiến hành cuốc đứt rễ bằng cách đào rãnh rộng 25-30cm, sâu 20- 25 cm phía mép tán và để phơi nắng tự nhiên 30 đến 40 ngày. Khi lá chuyển màu thì tiến hành bón phân hữu cơ hoai mục xuống rãnh rồi lấp đất lại, chăm sóc bình thường. Dùng phân bón qua lá HPC97 phun đều toàn bộ tán cây và phun từ 1-2 lần nhằm hạn chế lộc đông và kích thích sự phân hóa mầm hoa.
Đối với những cây ra lộc đông vào tháng 11 đầu tháng 12, phải tích cực xử lý bằng các biện pháp thủ công như tuốt lá, ngắt bỏ những cành lộc, thực hiện với những cây tầm thấp. Đối với cây cao dùng HPC 97 phun đều khi lộc nhú dài từ 1-2 cm; có thể dùng thuốc cỏ Ronstar 25EC để phun khi lá lộc xòe từ 0,5- 1,5cm./.